Kinh nghiệm lái xe ô tô cho người mới lấy bằng – rất cần thiết

Bạn là người mới lấy bằng lái xe ô tô, và có thể là mãi một thời gian sau bạn mới có xe hoặc bạn vừa mới mua xe và còn bỡ ngỡ khi lần đầu tham gia giao thông mà không có thầy ở bên cạnh …Chắc hẳn sẽ có cảm giác sợ khi có xe đi đối diện, sẽ ngại khi vượt xe hay căn xe

Và để chiến thắng nỗi sợ hãi mà bất kỳ ai cũng sẽ từng trải qua đó thì bài viết này dành cho bạn, chúng ta cùng đi ngay vào bài viết nhé.

Học thuộc luật giao thông đường bộ

Trước khi tham gia giao thông thì chúng ta cần phải học luật giao thông, đây là điều kiện cần để thi lấy bằng, đôi khi chúng ta đã được học trong quá trình ôn luyện, nhưng vì một lý do nào đó mà một số người chỉ học “mẹo” để cho qua bài thi lý thuyết, thì việc học lại luật với 600 câu hỏi là điều cần thiết, có thể mua quyển sách bỏ vào cốp xe, nào rảnh thì mang ra đọc.

Cơ bản thì cần phải biết được các điều sau: vận tốc tối đa ở từng khu vực cho xe ô tô, biết cách đọc biển báo biển cấm và biển chỉ dẫn, biết phân biệt vạch kẻ đường làn đường quy định, vạch nào được đè, vạch nào không được, chỗ nào được đỗ xe rồi khoảng cách đỗ xe với lề đường và xe ở làn đối diện …

Biết cách sử dụng các nút bấm trên xe

Đây là điều kiện bắt buộc phải biết trước khi lái xe, ban đầu không nhất thiết phải biết hết rõ mọi chức năng trên xe mà sẽ khám phá từ từ nhưng cần phải biết sử dụng xe một cách cơ bản, điều này giống như việc giao súng cho người không biết dùng súng sẽ rất nguy hiểm.

Rất nhiều trường hợp loạng quạng khi gặp tình huống khẩn cấp và bấm loạn xạ lên khi không biết dùng xe và gây ra những tai nạn không đáng có.

Do đó việc điều chỉnh công tắc, nút bấm trên xe, hiểu rõ công năng của nó sẽ giúp bạn tự tin và an toàn hơn khi lái xe.

Các công tắc cơ bản có thể kể đến như: bật đèn pha cốt, bật xi nhan, gạt nước lỡ khi gặp trời mưa, sưởi gương nếu có, công tắc gập gương (chú ý là gương gập điện hay gập cơ nhé), mở kính hạ kính.

Trước khi đề nổ

Chỉnh gương

Chỉnh gương phù hợp sẽ giúp chúng ta lái xe an toàn, vấn đề này không có một quy chuẩn nào, các loại xe khác nhau chỉnh khác nhau, mỗi người một cách chỉnh khác nhau. Bạn có thể tham khảo cách chỉnh gương sau đây rồi từ đó làm cơ sở để tự chỉnh gương theo ý của mình nhé.

Ta chia gương ra 4 phần theo chiều dọc:

+ 1/4 đến 1/3 là nhìn thấy thân xe và đuôi xe phía sau, có thể nhìn cả bánh xe sau, hoặc nhìn thấy cả hai tay nắm cửa.

+ Ở bên cửa tay lái sẽ có nút chỉnh gương, sẽ chỉnh được cả hai bên gương, trên nút có chữ L là gương trái, R là gương phải, ta vặn sang phía trái hoặc phải rồi gạt nút lên xuống

Tiếp theo chỉnh gương chiếu hậu sao cho nhìn thấy rõ nhất ở phía sau, mỗi chiếc xe thì có kết cấu khác nhau.

Chỉnh ghế

  • Chỉnh ghế sao cho hai chân thoải mái với bàn đạp côn, phanh, ga, chỉnh sao cho chân hơi khuỷu xuống một góc và không bị duỗi thẳng cũng như không bị gần quá với người sẽ tạo cảm giác mỏi khi lái xe.

Chỉnh Vô lăng

  • Chỉnh vô lăng sao cho vừa với khoảng cách ngồi, một số người thường căn đỉnh vô lăng ngang với  phần cổ tay khi duỗi thẳng là ok, hoặc có thể chỉnh sao cho khi tay trái kê lên bên hông cửa thì vẫn chạm vào vô lăng để quay ở góc 7-9h.
  • Chỉnh vô lăng sao cho người lái có thể hoàn toàn nhìn thấy bảng đồng hồ phía trước.

Thắt dây an toàn

  • Sau khi chỉnh gương, chỉnh ghế thì bắt buộc phải thắt dây an toàn để bảo đảm an toàn cho người lái và đúng luật khi tham gia giao thông.

Cách khởi động xe

Đầu tiên là vị trí chân, nếu là xe số sàn thì chân trái dùng để đạp côn, chân phải dùng để đạp phanh và ga, còn nếu là xe số tự động thì chỉ cần dùng một chân phải để đạp phanh và ga. Chú ý khi đặt chân Phải, đặt gót chân lệch về phía vị trí Phanh nhiều hơn là ga nhé, không nên để gót chân ở giữa khoảng phanh và ga. Gót chân phải cố định, khi nào muốn chuyển sang bàn đạp nào thì quay sang phía đó, không nên di chuyển cả bàn chân khi đổi bàn đạp khác.

Nhiều dòng xe có các cách đề nổ khác nhau, xe côn và xe số cũng khác nhau nên bạn có thể linh hoạt cách đề nổ xe như sau:

Với xe số sàn: 

  • Đạp phanh -> đề nổ (hoặc mở khóa) -> đạp côn -> vào số 1 -> hạ phanh tay (chú ý là hạ phanh tay là bước cuối khi khởi động) -> thả nhẹ chân côn ra thật từ từ cho xe trôi đi rồi mới giẫm nhẹ chân ga cho xe  tăng tốc.

Cách chạy xe số tự động: 

  • Đạp phanh -> đề nổ (hoặc vặn chìa khóa) -> chuyển từ số P sang số D -> hạ phanh tay -> thả nhẹ chân phanh cho xe trôi đi rồi giẫm nhẹ chân ga cho xe tăng tốc dần.

Cách căn xe chính xác

Căn xe hai bên

Căn bên trái

Căn mép góc chữ A, vị trí an toàn với đối tượng và cách đối tượng khoảng 0.5m đó là vị trí mà thẳng hàng: Mắt – Góc A – Đối tượng

Căn Phải: lấy điểm trung tâm chia đôi phần kính ở khu vực tab lô, vị trí an toàn là thẳng hàng: Mắt – Vị trí giữa tap lô – Đối tượng, và khi càng đi đến đối tượng thì đối tượng càng nằm lệch sang phải thì càng an toàn.

Căn khoảng cách với xe trước: 

  • Nếu xe trước là xe ô tô con, xe dưới 9 chỗ ngồi thì nên dừng xe khi khuất tầm nhìn miệng dưới của cốp xe đó, phần này nằm dưới biển số sau một chút.
  • Nếu xe trước là xe máy: khoảng cách an toàn là vừa chuẩn bị khuất tầm nhìn biển số xe máy
  • Nếu xe trước là xe công, xe tải: thì tốt nhất là dừng xa và nhìn rõ thấy cả toàn bộ xe đó.

Sau khi biết căn rồi thì khi dừng đèn đỏ ta cũng căn như vậy:

Chú ý khi dừng đèn đỏ: 

Với xe số sàn: Khi thấy đèn đỏ, về số thấp cho xe chạy chậm lại phanh dần chậm cho đến khi chuẩn bị dừng hẳn thì đạp hết hành trình côn và tiếp tục rà phanh nhè nhẹ rồi dừng hẳn, về số N để chờ đèn đỏ nếu đèn trên 30 giây, còn nếu dưới 10 giây thì có thể về số thấp và phanh là đủ.

Với xe số tự động: khi thấy đèn đỏ, giảm tốc độ, rà phanh nhẹ đến khi dừng hẳn, nếu trên 30 giây thì về số N, chân vẫn đạp phanh chân nhé để đề phòng xe trôi, có thể kéo phanh tay nếu cẩn thận. Khi đèn chuẩn bị xanh thì giẫm phanh, lên số D, hạ phanh tay và chạy.

Vậy sẽ có người hỏi là dừng đèn đỏ về số P được không? 

Câu trả lời là không nên nhé, không nên chứ không phải là không được, bởi vì khi về P thì các bánh xe bị khóa cứng, nếu xảy ra va chạm như xe sau ủi lên thì xe bạn sẽ bị vỡ hộp số trong trường hợp kém may mắn đó (vừa bị húc vừa bị vỡ hộp số thì niềm đau nhân đôi)

Do đó chỉ nên về số N (số mo) khi dừng đèn đỏ.

Đỗ xe

Khi đỗ xe thì việc đầu tiên là trả thẳng lái cho bánh xe thẳng với xe, sau đó là kéo phanh tay, về số P rồi gập gương.

Khi đỗ xe thì không nên đỗ xe kênh bánh, bởi sẽ ảnh hưởng đến kết cấu xe, hệ thống treo và ảnh hưởng tới tuổi thọ của lốp, mặc dù trong trường hợp bất khả kháng thì phải đỗ nghiêng nhưng chúng ta nên hạn chế việc đỗ nghiêng này nhé.

Cách sang đường, đổi làn xe

Sang đường: 

Bật xi nhan

Quan sát an toàn phía sau rồi phía trước

Quan sát khi nào thấy xe sau nằm gọn trong nửa phần gương bên phía nhập làn đó thì mới được nhập làn, chẳng hạn bạn muốn nhập sang làn trái, bạn vượt xe lên và khi nào thấy xe sau nằm gọn trong nửa phần gương bên trái thì mới được nhập làn để đảm bảo khoảng cách an toàn. Điều này dành cho tài mới, còn tài cũ thì sẽ xử lý nhanh theo kinh nghiệm.

Cách ghép dọc ghép ngang xe ô tô

Ghép dọc

Đây là phần có trong bài thi lái xe, và thực tế thì cũng thường gặp khi đỗ xe ở khu chung cư, các tòa nhà đông dân cư. Cách đỗ xe ghép dọc như sau:

Đi xe song song với lề khoảng 20-50cm, đến khi vai người lái ngang với thành trên của chuồng rồi đánh hết lái sang phải và nhìn vào gương phải sao cho nhìn thấy góc vuông trên của cửa chuồng rồi trả hết lái sang trái và vào số lùi rồi lùi xe. đến khi thấy song song với chuồng thì trả thẳng lái và lùi. Khi này căn vai và khoảng cách độ sâu của chuồng để lùi sao cho không bị va chạm vào đuôi xe.

Ghép ngang

Ghép ngang được dùng ở nơi đỗ xe trên lòng đương. Trường hợp này áp dụng khi mà có 2 xe chặn hai đầu và chỉ có một khoảng vừa đủ cho xe mình chui vào.

Bước 1:  Cho xe song song với xe phía trên, khoảng cách với xe phía trên là 50cm, tiến lên đến khi đuôi xe mình bằng với đuôi xe trên. Tips là căn bằng gương, cho gương xe mình ngang với gương xe họ nếu xe mình dài bằng xe họ. Còn nếu xe mình dài hơn thì tiến lên chút, xe mình ngắn hơn thì chỉ cần gần đến gương xe trên là được.

Bước 2: Đánh hết lái phải, vào số lùi, nhìn gương trái, và lùi đến khi nào thân xe mình thẳng hàng với đèn phía bên trong của xe sau thì trả thẳng lái và tiếp tục lùi. (hoặc là lùi sao cho thẳng với mép đầu xe phía trong của xe đậu sau)

Bước 3: Nhìn vào gương bên Phải, thẳng hàng với đèn hậu phía ngoài của xe trên (đèn hậu bên trái) thẳng hàng với người lái thì đánh hết lái trái và lùi

Nếu thấy đầu xe mình sát với đít xe trên thì lùi đến vị trí: Người lái – Gương bên Phải xe mình – Logo xe trên (vùng gần trung tâm xe trên) đánh hết lái trái rồi lùi. Điều này nhằm mục đích tránh va chạm giữa đầu xe mình và đít xe trên.

Sau bước 3 thì cụp gương Phải xuống và xem bánh xe đã sát lề và song song với lề chưa, nếu chưa thì chỉnh lại cho đẹp, cách lề tầm từ 5-10cm là đẹp, không nên đậu sát quá. Cũng không nên đậu cách lề quá 25cm là bị phạt theo luật giao thông.

Xử lý các tình huống khẩn cấp

Xe máy tạt đầu thì phanh và đứng im nơi đông người, không nên hoảng rồi đánh lái mạnh sẽ gây nguy hiểm cho người xe lưu thông bên cạnh và phía sau

Chú ý tới các đèn trên cụm đồng hồ

Nếu một đèn nào báo đỏ thì chức năng đó bị lỗi và cần phải mang ra gara hoặc hãng để khắc phục ngay, các loại đèn báo thường gặp đó là: đèn cảnh báo phanh tay, đèn cảnh báo nhiệt độ, áp suất dầu ở mức thấp, trợ lực lái điện, túi khí, lỗi ắc quy, khóa vô lăng, chưa thắt dây an toàn, cửa xe mở, nắp capo mở, cốp xe mở.

Dầu phanh, nước làm mát, lọc gió, ga điều hòa … nếu bị lờ đi sẽ làm cho tuổi thọ xe kém đi hoặc hư hỏng khi tham gia giao thông.

Tổng kết lại

Trên đây là một số kinh nghiệm giúp bạn lái xe an toàn hơn với trường hợp mới lấy bằng và còn bỡ ngỡ khi ra đường. Việc lái xe còn phụ thuộc vào một phần gọi là cảm giác nữa, nên chỉ cần cầm xe nhà lái và đi trong  1 tuần thì bạn sẽ có cảm giác lái tốt ngay mà không còn sợ xe đối diện cũng như sợ căn đường nữa.

Chúc bạn lái xe an toàn!

Chúng tôi rất vui khi được lắng nghe chia sẻ của bạn

Để lại lời nhắn

hoangclick
Logo